Đau bụng kinh hay còn gọi là thống kinh là tình trạng đau vùng hạ vị, xuất hiện trước, trong hoặc sau khi hành kinh. Đây là hiện tượng bình thường ở chị em phụ nữ mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đau giống nhau, có người đau nhẹ, có người lại rất đau, tùy theo cơ địa mỗi người.
Nguyên nhân gây đau bụng có thể được hiểu đơn giản là: Khi đến kì kinh nguyệt, tử cung bị căng lên, niêm mạc tử cung dầy lên dẫn đến sự chèn ép, gây ra cơn đau. Ngoài ra, cơ tử cung phải co lại để đẩy máu kinh ra ngoài.
Quá trình này làm xuất hiện chất prostaglandin - là thủ phạm gây đau bụng kinh. Một nguyên nhân khác nữa có thể là do tâm lý lo sợ hoặc khả năng chịu đau thấp ở người phụ nữ.
Đau bụng kinh thường được chia làm 2 loại:
- Đau bụng kinh nguyên phát: Thường gặp ở bạn gái mới dậy thì và kéo dài trong 3 năm. Nguyên nhân thường do sự co thắt quá mức của cơ trơn tử cung để đẩy máu kinh ra ngoài.
- Đau bụng kinh thứ phát: Sau khi chu kì kinh nguyệt đã ổn định mà bạn vẫn bị đau thì được gọi là đau bụng kinh thứ phát.
Nguyên nhân gây đau bụng kinh thứ phát có thể do: Lỗ màng trinh quá nhỏ nên khó đẩy máu ra ngoài, vệ sinh trong kì kinh nguyệt kém dẫn đến viêm nhiễm, hoặc bị những bệnh lây qua đường tình dục không chữa trị triệt để gây dính vùng tiểu khung...
Trong một số trường hợp, đau bụng kinh có thể là dấu hiệu của bệnh lạc nội mạc tử cung, nghĩa là lớp niêm mạc không nằm trong tử cung mà di cư đến những chỗ khác như: bụng, bàng quang thậm chí là buồng trứng... Bệnh này không quá nguy hiểm nhưng có thể dẫn đến vô sinh.
Vì thế, nếu các cơn đau bụng kinh của bạn ổn định và giống nhau ở các tháng thì có thể đó là do cơ địa của bạn. Còn nếu thấy quá đau bụng, đau bụng kéo dài không chịu được hoặc đau thất thường thì bạn nên đi khám phụ khoa để xác định rõ nguyên nhân và có biện pháp điều trị phù hợp.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét