Thế nào là kinh nguyệt không đều ?
Trong đời sống sinh lý người phụ nữ, từ khi còn trong bào thai, buồng trứng đã bắt đầu hoạt động, nhưng mãi đến năm 13 - 16 tuổi thì hoạt động của buồng trứng mới đủ để trưởng thành và từ lúc đó âm đạo của người phụ nữ bắt đầu có hiện tượng ra máu, theo chu kỳ hoạt động của buồng trứng gọi là hành kinh và hoạt động đến tuổi 45 - 55 thì kết thúc, gọi là tuổi mãn kinh. Vì vậy, hoạt động kinh nguyệt của người phụ nữ, đặc biệt là tình trạng kinh nguyệt không đều là một yếu tố liên quan mật thiết đến sức khỏe và chức năng sinh sản của nữ giới.
Kinh nguyệt là trạng thái sinh lý bình thường ở nữ giới, trung bình có khoảng 500 lần hành kinh trong cả cuộc đời, khi mới bắt đầu hành kinh khoảng 2 - 3 năm đầu đời, chức năng của buồng trứng phát triển chưa được hoàn thiện, nên việc hành kinh vẫn chưa đi vào chu kỳ đều đặn, nhưng sau đó sẽ đi vào hoạt động theo quy luật nhất định nên được gọi là “chu kỳ”. Phần lớn chu kỳ kinh nguyệt bình thường là từ 28 - 30 ngày, có thể nhanh hơn hoặc chậm đi 3 - 5 ngày, tức là người có chu kỳ kinh nguyệt trong khoảng từ 21 - 35 ngày với nhịp độ tương đối ổn định, cũng được xem là bình thường, thời gian hành kinh kéo dài trung bình 3 - 5 ngày. Lượng máu hành kinh là tổng lượng máu chảy ra của kinh nguyệt mỗi tháng, thông thường khoảng 50 - 80ml, thường khó xác định, chỉ thấy qua máu thấm băng, mỗi ngày thay băng vệ sinh từ 3 - 5 lần là bình thường. Tính chất máu kinh có màu đỏ sẫm, không đông, có nhiều chất vụn của tế bào niêm mạc âm đạo - tử cung và nhiều vi khuẩn có sẵn trong âm đạo. Có vài triệu chứng nhẹ trong hành kinh như: hơi nặng, trằn ở bụng dưới, mệt mỏi, có cảm giác nóng nảy, kém bình tĩnh hơn bất thường. Khi “chu kỳ” trên bị phá vỡ, không theo một quy luật nhất định thì được gọi chung là rối loạn kinh nguyệt. Theo ghi nhận của các nhà y học thì có khoảng 1/3 trường hợp rối loạn kinh nguyệt đến khám tại các phòng khám phụ khoa.
Kinh nguyệt không đều có dẫn đến vô sinh không?
Qua điều tra cho thấy, những phụ nữ không thụ thai được ít nhiều đều có triệu chứng kinh nguyệt không đều . Vậy có phải do kinh nguyệt không đều mà dẫn đến hiện tượng không thụ thai?
Các chuyên gia cho biết, không phải do kinh nguyệt không đều dẫn đến việc không có thai, mà là do một hoặc một số bệnh trong cơ thể khiến cho kinh nguyệt không đều và không thụ thai được, hay nói cách khác, kinh nguyệt không đều chỉ là tín hiệu không thể thụ thai.
Chẳng hạn, những phụ nữ không thụ thai do noãn sinh trưởng không bình thường thì hành kinh ít và màu nhạt, hành kinh muộn hoặc đột nhiên tắc kinh; hoặc do tắc ống dẫn trứng thì thường ra nhiều máu cục, màu sẫm, không đều; hoặc do viêm phần phụ thì thường là máu kinh nguyệt ra nhiều, màu đỏ tươi, đặc, có mùi tanh; hoặc do khối u tử cung và màng tử cung không bình thường gây nên, thông thường có những triệu chứng là hành kinh đến sớm, ra nhiều và không cầm được máu, đau bụng... Qua những thí dụ trên có thể thấy, không thụ thai thường đi kèm với nhiều vấn đề về chu kỳ hành kinh, xuất hiện những vấn đề về kinh nguyệt và cũng là triệu chứng không thể thụ thai.
Vì vậy, trong thực tế lâm sàng là sau khi điều trị cho kinh nguyệt trở lại bình thường, một số chị em lại có thể thụ thai... Có nhiều phụ nữ khi kinh nguyệt không đều thì nghĩ là do các bệnh về phụ khoa như viêm tử cung, tử cung không bình thường, viêm khoang xương chậu mãn tính hay cấp tính, khối u tử cung... mà không nghĩ đến những nguyên nhân khác; Vì có nhiều thói quen không tốt cũng có thể khiến cho kinh nguyệt không đều.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét